Viết tắt tên thương hiệu

Có nên viết tắt tên thương hiệu của mình hay không? Khi nào thì nên dùng tên viết tắt? Viết tắt như thế nào để khách hàng vẫn có thể nhận diện thương hiệu của bạn? Là những câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp đắn đo khi chọn tên viết tắt cho thương hiệu của mình.

Viết tắt hay không?

Khi làn sóng về những cái tên ngắn gọn, dễ nhớ lan truyền trong giới quản trị, đó cũng là lúc giới marketing chứng kiến một làn sóng hàng loạt các doanh nghiệp viết tắt tên cho thương hiệu của mình.

Dùng tên thương hiệu viết tắt có 2 lợi thế cho doanh nghiệp là:

  • Giúp tên thương hiệu ngắn gọn. Xu thế của tên thương hiệu ngày nay là ngắn gọn nhưng ý nghĩa. Một cái tên ngắn cũng giúp khách hàng dễ nhớ hơn.
  • Giúp khách hàng dễ nhớ. Không chỉ ngắn, tên viết tắt của thương hiệu thường chỉ là những chữ cái hay con số, số lượng kí tự cũng hạn chế, điều này cho phép khách hàng chỉ nhìn qua vài lần là có thể ghi nhớ. Hơn hết, nếu khéo léo, doanh nghiệp có thể biến tên viết tắt của thương hiệu mình thành một hình ảnh mang tính ẩn dụ nào đó hay ẩn chứa một bí ẩn nào đó, điều này làm khách hàng thích thú hơn.
Viết tắt tên thương hiệu
Ảnh: colorstar.vn

Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào tên viết tắt lại dễ nhớ hơn tên chính thức của thương hiệu.

Ron Johnson, CEO của JC Penney & Co, chuỗi siêu thị với 590 siêu thị trên khắp toàn cầu đã quyết định thay đổi logo của JC Penney. Logo trước đây của JC Penney có đầy đủ tất cả chữ JC Penney. Còn logo mới giới thiệu thương hiệu viết tắt, chỉ bao gồm 3 chữ cái JCP.
Nghiên cứu sau đó cho thấy, từ thông dụng mà khách hàng gọi tên của JC Penney là Penney, sau đó mới đến các tên khác như Penney’s, J.C. Penney Co. Không ai gọi JC Penny là JCP.

Nguyên nhân là trong đời thường, người ta sẽ gọi JC Penney là “Penney” (2 âm tiết) chứ không phải là “JCP” (3 âm tiết). Trong văn viết, dùng “JCP” thay cho JC Penney chắc chắn tiện dụng và ngắn gọn hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại hiếm khi dùng văn viết khi đề cập đến thương hiệu, họ trao đổi chủ yếu bằng văn nói. Hiếm khi người tiêu dùng sử dụng tên viết tắt mà doanh nghiệp áp đặt, trừ khi nó ít âm tiết hơn và dễ nói hơn so với tên thương hiệu nguyên gốc.

Việc dùng những chữ cái trong tên viết tắt còn gây ra một bất lợi. Đó là đôi khi những kí tự này trở nên khó nói hơn dù cách viết có ngắn gọn và dễ nhớ hơn. Người ta sẽ nói là “Hoàng Anh Gia Lai” (4 âm tiết) chứ không nói là “HAGL” (vẫn 4 âm tiết). Trong văn viết, HAGL ngắn gọn hơn nhưng trong văn nói, “HAGL” và “Hoàng Anh Gia Lai” đều có bốn âm tiết.  Tương tự, người ta sẽ nói là xe “Mẹc” chứ không là xe MCB thay cho tên Mercedes-Benz.

Viết tắt tên thương hiệu
Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Cẩn trọng khi viết tắt

Dĩ nhiên, đã có nhiều doanh nghiệp rút gọn tên và trở thành những thương hiệu nổi tiếng như “BP” – British Petroleum, “BMW” – Bavarian Motor Works. Những thương hiệu đó thành công do 3 nguyên nhân như sau:

  • Tên viết tắt đọc lên ngắn hơn tên thương hiệu ban đầu.
  • Người tiêu dùng đã sử dụng những tên viết tắt đó trong cuộc sống hàng ngày.
  • Tên nguyên gốc của thương hiệu không nổi tiếng lắm khi doanh nghiệp quyết định chuyển sang thương hiệu viết tắt.
Viết tắt tên thương hiệu
Ảnh: Before It’s News

Nhưng ngược lại, nếu không đạt được những yếu tố trên, rất có thể việc rút gọn tên sẽ tạo ra những sai lầm nghiêm trọng. Nhiều chiến dịch marketing đã bắt đầu với những từ rút gọn dành cho những thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, khi thương hiệu rút gọn chưa được người tiêu dùng chấp nhận, rất có khả năng chi phí cho chương trình marketing đó sẽ trở nên thiếu hiệu quả.

Hãy xem, bao nhiêu người cho rằng DD là Dunkin’ Donuts, RB là Red Bull, hay SB là Starbucks?

Thay vì cố gắng nhồi nhét tên “nick name” của mình vào đầu khách hàng, hãy sử dụng chính tên “nick name” mà khách hàng đang gọi. Người ta gọi tên ngắn của Coca-Cola là “Coke” chứ không phải là CC.

Tên rút gọn chẳng có nhiều lợi thế nếu nó thiếu ý nghĩa, thiếu sự gắn kết với khách hàng và nghe không hay. FedEx đã thành công khi rút gọn tên của mình từ Federal Express. Hay Budweiser đã sử dụng tên của khách hàng hay gọi thương hiệu của mình để gắn dòng bia nhẹ với nhãn hiệu Bud Light.

Một tên rút gọn từ tên thương hiệu vẫn cần đảm bảo tính dễ nghe, dễ nói và trên hết là tính nhận diện thương hiệu. Sẽ là một cái tên sai lầm khi khách hàng thậm chí còn không thể liên tưởng đến thương hiệu chính thức của nó.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

 

Add a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.