Ý nghĩa Slogan – Câu khẩu hiệu

Slogan, theo nghĩa tiếng Anh là một cụm từ dễ nhớ, thường được dùng làm khẩu hiệu cho một chính đảng (hoạt động trong lĩnh vực chính trị) hoặc quảng cáo cho thương hiệu của các doanh nghiệp (trong hoạt động kinh doanh). Ví dụ một số khẩu hiệu: khẩu hiệu sử dụng trong các cuộc cách mạng chính trị như: “Chính quyền về tay nhân dân”.

Slogan, nguyên nghĩa là tiếng hô trước khi xung trận của những chiến binh Scotland. Ngày nay trong thương mại được hiểu như là khẩu hiệu thương mại của công ty. Mỗi slogan thường có ý nghĩa trong một giai đoạn nhất định. Khi chuyển sang giai đoạn khác hoặc chiến lược của doanh nghiệp thay đổi, thì slogan cũng thay đổi cho phù hợp với điều kiện lúc đó.
Slogan dùng trong kinh doanh.

  • Ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có những khẩu hiệu tiếp thị, các hình thức quảng cáo của riêng mình nhằm đưa sản phẩm của họ tiếp cận gần hơn với khách hàng, làm khách hàng cảm nhận được sự thân thiện của sản phẩm.
  • Kết quả của việc tiếp thị này giúp cho người tiêu dùng (khách hàng) dễ dàng nhận biết được thương hiệu này đi kèm với sản phẩm gì và chất lượng của nó ra sao.
  • Tóm lại, slogan trong kinh doanh được hiểu là một thông điệp truyền tải ngắn gọn nhất đến khách hàng bằng từ ngữ dể nhớ, dể hiểu, có sức thu hút cao về ý nghĩa, âm thanh. Slogan là sự cam kết về giá trị, chất lượng sản phẩm của thương hiệu với khách hàng. để hình thành một slogan (khẩu hiệu) cho công ty, cho thương hiệu nào đó không phải là một chuyện sớm chiều mà đòi hỏi phải có một quy trình chọn lựa, thấu hiểu sản phẩm, các lợi thế đặc thù sản phẩm, mong muốn của khách hàng đến sản phẩm đó, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, mức độ truyền tải thông điệp khi đã chọn slogan đó để định vị trong tâm trí của khách hàng bất cứ lúc nào. Slogan được coi như là một tài sản vô hình của Công ty dù rằng nó chỉ là một câu nói.

Nguyên tắc xây dựng slogan của các doanh nghiệp

  1. Slogan khi được tung ra phải mang một mục tiêu nhất định và hướng đến mục tiêu đó. Một ví dụ điển hình: Để lấy thị phần từ Coca Cola, hãng kinh doanh giải khát Pepsi đã lấy slogan là Generation next (Thế hệ tiếp nối). Với slogan mang mục tiêu rõ ràng là đánh vào khách hàng trẻ tuổi, Pepsi đã thu hút được phần đông giới trẻ và vươn vai trở thành một đối thủ đáng gờm của Coca Cola.
  2. Slogan phải ngắn gọn. Slogan của hãng cà phê Trung nguyên là “Khơi nguồn sáng tạo”. Với nhiệm vụ phải đi vào tiềm thức của khách hàng, không ai đi xây dựng một slogan dài dằng dặc đầy đủ toàn bộ về tính năng, tác dụng, điểm ưu việt của sản phẩm cả. Bởi khách hàng sẽ chẳng ai bỏ công đi nhớ một slogan dài như vậy.
  3. Slogan không được gây phản cảm cho khách hàng. Công ty dịch vụ chuyển phát nhanh DHL đã có một slogan gây ấn tượng không tốt cho khách hàng: “Đến chậm gậm xương”. Tuyệt đối tránh những từ ngữ có thể gây phản cảm hoặc xúc phạm đến người khác cho dù đó chỉ là một bộ phận khách hàng rất nhỏ.
  4. Slogan phải nhấn mạnh vào lợi ích của sản phẩm / thương hiệu.

Một số slogan của các hãng, doanh nghiệp đã sử dụng như sau:

– Slogan của McDonald’s: Khẩu hiệu nằm ngay dưới logo: I’m loving it (Tôi yêu thích nó)
– Slogan của hãng bia Heineken: Một khẩu hiệu rất lâu đời, khẳng định đẳng cấp chất lượng của Heineken qua từng sản phẩm “Chỉ có thể là Heineken” (nguyên văn tiếng Anh là It could be only Heineken).
– Slogan của hãng điện thoại di động Nokia: Connecting people (Kết nối mọi người)
– Slogan của Viettel: được đặt ngay dưới logo với dòng chữ tiếng Anh Say it your way (Hãy nói theo cách của bạn). Ý nghĩa của khẩu hiệu này là khuyến khích sự sáng tạo của bản thân, của cá nhân để tạo cho mình một phong cách, đường đi riêng. Hiện nay Slogan này được phát triển và sáng tạo với nhiều nghĩa khác như “Hãy làm theo cách của bạn”.
– Slogan của Mobifone: “Mọi lúc, mọi nơi” để nói lên dịch vụ điện thoại di động của Mobifone sẵn sàng phục vụ khách hàng bất cứ khi nào (mọi lúc) và bất cứ nơi đâu (mọi nơi) khách hàng muốn.
– Slogan của S-fone: “Nghe là thấy”. Hơi khó hiểu nhưng chính điều đó lại gợi sự tò mò, chú ý.
– Slogan của Vinaphone: “không ngừng vương xa”
– Slogan của EVN: “Kết nối sức mạnh”
– Slogan của Công ty chiếu sáng Điện quang: “Ở đâu có điện, ở đó có Điện quang”
– Slogan của hãng cà phê Trung Nguyên: “Khơi nguồn sáng tạo”

Bảy (07) slogan nổi tiếng của thế kỉ 20

Sau đây là 7 slogan nổi tiếng nhất mà giá trị của nó đã được chứng thực qua thời gian và những biến động thương trường. Thêm vào đó, mỗi slogan là một câu chuyện thú vị[cần dẫn nguồn].

  1. Slogan của hãng cà phê Maxwell House: “Ngon tới giọt cuối cùng” (nguyên văn tiếng Anh là Good to the last drop, ra đời vào năm 1907)
  2. Slogan của công ty kim cương De Beers Consolidated: “Kim cương là vĩnh cửu” (nguyên văn tiếng Anh là Diamond is forever, ra đời vào năm 1948)
  3. Slogan của tập đoàn chuyên cho thuê xe hơi Avis: “Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa” (nguyên văn tiếng Anh là We’re No 2. We try harder)
  4. Slogan cho trang vàng Yellow Pages: “Hãy dùng tay thay vì dùng chân” (nguyên văn tiếng Anh là ’Let Your Fingers Do The Walking)
  5. Slogan của Công ty Coca Cola: “’Hàng chính hiệu” (nguyên văn tiếng Anh là It’s the Real Thing)
  6. Slogan của tập đoàn công nghiệp FedEx: “Tới nơi an toàn, đúng hẹn” (nguyên văn tiếng Anh là When It Absolutely, Positively Has To Be There Overnight)
  7. Slogan của nhà máy chế biến sữa California: “Uống sữa nhé” (nguyên bản tiếng Anh là Got Milk?)

Add a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.