4 chỉ số cần lưu ý khi đánh giá chiến dịch digital marketing trên social media
|Khi thực hiện chiến dịch digital marketing trên social media, người làm marketing cần chú ý đến 4 chỉ số đo lường sau nếu không muốn “vứt tiền xuống biển”.
Social media ngày nay là một kênh digital marketing cực kỳ quan trọng. Nó gắng liền với quyết định mau hàng của người tiêu dùng và là một kênh hữu hiệu đển doanh nghiệp xây dựng lòng trung thành với thương hiệu của khách hàng.
Bản chất của social media là các cuộc hội thoại trên mạng xã hội, là sự tương tác đa chiều giữa các cá thể tham gia trên các nền tảng mạng xã hội. Buzz volume (tổng lượng bài viết và thảo luận), hay Interaction (tổng lượt tương tác) được xem như là thước đo của sự thành công của các hoạt động trên social media.
Tuy nhiên, khi truyền thông mạng xã hội ngày càng được nhiều thương hiệu chú trọng, thì không tránh được những chiêu trò để chỉ nhắm vào số buzz, interaction. Những chiêu trò này nhằm đạt được cái đích đến về số lượng, nhưng bỏ qua vấn đề về chất lượng, dẫn đến chiến dịch digital marketing không thực sự tạo ra sự ảnh hưởng lớn đến công chúng mục tiêu trên social media.
Ngày nay, việc đánh giá sự thành công của các chiến dịch marketing cần được cân nhắc kĩ lưỡng hơn trong việc lựa chọn các chỉ số đo lường phù hợp. Có 4 chỉ số mà nhà làm marketing nên chú ý khi chạy chiến dịch digital marketing trên mạng kênh social media.
UGC (User Generated Content) – Độ tương tác sâu của người dùng
UGC, viết tắt của cụm từ User Generated Content, chỉ số này là lượng nội dung được tạo ra bởi người dùng. Nói cách khác, UGC giúp thương hiệu đo lường mức độ tác động của chiến dịch truyền thông, khiến người tiêu dùng phải chủ động tạo ra các nội dung liên quan đến thương hiệu.
Người tiêu dùng ngày càng trở nên khó tính hơn, họ ít tin vào quảng cáo hơn những chia sẻ từ cộng đồng mạng xã hội của mình. Chính vì vậy, chiến dịch social media marketing sẽ thành công khi không những làm cho người tiêu dùng quan tâm, mà còn khiến họ cùng tham gia lan truyền thông điệp. Để làm được như vậy, marketer cần chú trọng tính liên quan và hữu ích của thông tin khi đưa đến đối tượng khách hàng mục tiêu.
Sentiment score – Chỉ số cảm xúc
Sentiment score là kết quả phân tích chỉ số cảm xúc của các thảo luận trên mạng xã hội. Con số này nhằm xác định độ tương quan giữa các thảo luận Tích cực và Tiêu cực từ công chúng.
Thực tế, không ít campaign diễn ra trên social media tạo ra sự ồn ào, thu hút được số lượng thảo luận cao, tuy nhiên đa phần thảo luận lại theo hướng tiêu cực. Lúc này, nếu chỉ lấy chỉ tiêu là Buzz volume hay Interaction để đánh giá hiệu quả của campaign, thì sẽ không thỏa đáng. Bởi vì trong trường hợp này, Buzz volume càng lớn sẽ càng trở thành mối hiểm nguy đến sức khỏe thương hiệu trên mạng xã hội.
Object mention – Lượng thảo luận đề cập đến chủ thể
Chỉ số Object mention là số lượng thảo luận đề cập trực tiếp đến các cụm từ về thương hiệu/sản phẩm/chiến dịch. Chỉ số Object mention giúp đánh giá chính xác hơn hiệu quả truyền tải thông điệp của thương hiệu đến khách hàng. Bởi thực tế, nếu các bài đăng tạo ra nhiều thảo luận trên mạng xã hội nhưng tỉ lệ thảo luận liên quan đến thương hiệu hay chiến dịch lại thấp, thì hiệu ứng gợi nhớ thương hiệu cũng không cao
Để tăng tính khách quan, chỉ số này sẽ chỉ được tính trên các nguồn nằm ngoài quyền sở hữu của thương hiệu. Ví dụ: các thảo luận nhắc đến “Tiger” nằm ngoài trang Facebook fanpage của Tiger.
Audience scale – Lượng người tham gia thảo luận
Audience scale thể hiện số lượng người tham gia thảo luận. Đây là chỉ số khá quan trọng khi chiến dịch muốn tạo ra viral. Nói cách khác, chiến dịch nào có số người tham gia thảo luận cao hơn thì thường có mức độ viral tốt hơn.
Tạo ra một chiến dịch truyền thông mạng xã hội thu hút được nhiều người biết và tham gia thảo luận là một thử thách lớn với những nhà là digital marketing. Nó cần sự hấp dẫn của thông điệp và chiến lược phân phối kênh phù hợp từ thương hiệu.
4 chỉ số trên khá quan trọng khi đánh giá mức độ hiệu quả của chiến dịch digital marketing trên social media. Nhưng cần lưu ý rằng, mỗi chỉ số đều có giá trị của riêng nó và đánh giá được một khía cạnh riêng của chiến dịch truyền thông, cho nên khó có thể dùng một chỉ số đơn lẻ để đưa ra kết luận rằng liệu chiến dịch đã thành công hay thất bại.
Thông tin và Ảnh: BrandsVietNam