Làm sao khái thác hết tiềm năng Thương mại điện tử Việt Nam?
|Những vấn đề như niềm tin khách hàng, giải pháp thanh toán, minh bạch thông tin… vẫn đang tạo nên những trở ngại khiến Thương mại điện tử chưa thể bùng nổ.
Tiềm năng Thương mại điện tử còn rộng lớn
Theo báo cáo của Nielsen, 45% dân số Việt Nam dùng internet, 28% trong số đó đã tham gia mua sắm trực tuyến. Dự báo mức tăng trưởng của thị trường tại Việt Nam là 22% trong năm 2017 và hơn 13,2% bào năm 2020, theo eMarketer.
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2017, bà Nguyễn Hương Quỳnh – Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết, người Việt Nam là người tiêu dùng “siêu kết nối”, do có mức độ sử dụng điện thoại cao: cứ 100 người thì sở hữu 131 chiếc điện thoại. Thời gian truy cập internet năm 2016 của người Việt là 24,7 giờ/tuần, chỉ thấp hơn Singapore
Dân số thành thị tiếp tục tăng trưởng mạnh, trung bình tăng 3,2%/năm. Đây là khu vực hoạt động thương mại trực tuyến diễn ra mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng cao. Tuy nhiên, dân số tại các thành phố khác ngoài Hà Nội và TP.HCM chiếm đến 55%, cho thấy thị phần Thương mại điện tử còn rất rộng lớn.
Rào cản lớn nhất là lòng tin của khách hàng
Đến nay, rào cản lớn nhất của Thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn là niềm tin của khách hàng, gây ảnh hưởng đến sức mua, giá trị đơn hàng lẫn hình thức thanh toán. Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, để thúc đẩy bán hàng trực tuyến, doanh nghiệp đã đẩy mạnh khuyến mãi, ưu đãi, tuy nhiên vẫn chưa “chạm” đến nhu cầu thiết yếu nhất của khách hàng, đó chính là minh bạch thông tin.
Tình trạng thông tin sản phẩm chưa đầy đủ, sản phẩm khác với ảnh chụp, thời gian giao hàng chậm trễ hay chưa linh hoạt, chính sách đổi trả thiếu rõ ràng… tạo nên tâm lý thiếu tin tưởng của khách hàng.
Ngoài ra, theo ông Phạm Trọng Lê – đại diện VNPost, tập quán tiêu dùng của người Việt là thấy hàng trả tiền dẫn đến việc khách hàng không muốn thanh toán trực tuyến mà dùng hình thức COD (thanh toán khi nhận được hàng).
Việc bảo mật thông tin khi thanh toán trực tuyến vẫn chưa thực sự được đảm bảo, do đó tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất cho những đơn hàng trực tuyến. Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, thanh toán tiền mặt khi nhận hàng vẫn chiếm 91%. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên tổng giao dịch Thương mại điện tử tăng nhẹ từ 5% năm 2014 lên 7% năm 2015.
Đưa Thương mại điện tử về nông thôn vẫn là vấn đề lớn
Dù chiếm hơn 70% các giao dịch mua sắm trực tuyến, nhưng dân số tại TP.HCM và Hà Nội chỉ có 17%. Điều đó có nghĩa, đến 83% dân số ở các vùng khác là thị trường tiềm năng để Thương mại điện tử phát triển.
Dù “dư địa” lớn, nhưng việc phát triển mua sắm onine đến các vùng nông thôn, theo ông Alexandre Dardy – Tổng giám đốc Lazada, là “rất khó khăn” khiến nhà bán lẻ này chưa có chiến lược phát triển thị trường tại đây. Theo ông Alexandre, tỷ lệ người dùng internet thấp, thu nhập không cao, thói quen mua sắm chưa cởi mở là những khó khăn khó tháo gỡ, đòi hỏi sự hợp tác liên ngành như hệ thống marketing, hướng dẫn, chính sách từ chính phủ, hạ tầng thông tin… mới có thể khai phá được thị trường này.
Cần xây dựng những chính sách mua hàng đảm bảo
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Will Nguyễn – Giám đốc tư vấn KPMG tại Việt Nam và Campuchia, các nhà bán lẻ cần xây dựng chính sách đổi trả hàng rõ ràng, bảo mật thông tin tốt để giúp khách hàng yên tâm và thanh toán trực tuyến, từ đó thúc đẩy mua hàng trực tuyến. Sự chính xác thông tin, cách thức giao nhận và phí giao hàng thấp sẽ gỡ bỏ những rào cản.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Đại diện cục Thương mại Điện tử cho biết, giá trị món hàng cũng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Món hàng càng đắt càng khó thuyết phục người dùng mua trực tuyến. Do đó, một số ngành hàng đặc thù như trang sức đắt tiền sẽ cần phát triển bán hàng đa kênh, để khách hàng xem online nhưng vẫn mua offline.
Trong bối cảnh bán hàng truyền thống vẫn là kênh bán hàng lớn nhất tại Việt Nam, việc xây dựng website, hệ thống bán hàng trực tuyến đối với một số ngành hàng là nhằm thúc đẩy doanh số thay vì thay thế hoàn toàn cách bán hàng truyền thống.
Theo DNSG