Kinh doanh thành công nhờ biết định hướng khách hàng
|Nhiều chuyên gian nhận định rằng sự thành công của Apple ngày nay một phần đến từ việc họ đã làm rất tốt công tác định hướng người tiêu dùng. Có đúng không?
Gần 10 năm trôi qua kể từ khi những sản phẩm công nghệ tiên phong của Apple ra đời, cứ mỗi lần hãng tung ra mẫu sản phẩm mới, người dùng vẫn “nô nức” xếp hàng chờ mua. Mặc dù ai cũng hiểu rằng, không lâu sau Apple sẽ khiến sản phẩm đó trở nên lỗi thời. William Craig – Nhà sáng lập của công ty tiếp thị WebpageFX, gọi đó là khả năng định hướng cho khách hàng của thương hiệu.
Xác định điểm cần tập trung
William Craig cho rằng: “Để định hướng cho khách hàng, điều đầu tiên thương hiệu cần xác định điểm tập trung. Sang trọng, lịch lãm, đẳng cấp hay tiện lợi… Cần lưu ý rằng trước khi muốn khách hàng có thể tin vào điểm tập trung này, thương hiệu phải tin vào nó trước”.
Ông phân tích: “Hãy nhìn Steve Jobs, mỗi khi đứng trên sân khấu giới thiệu một sản phẩm mới của Apple, ông ấy đều thể hiện sự nhiệt tình và niềm tin của mình vào sản phẩm. Từ điểm tập trung này, mọi người sẽ lập tức cảm thấy ấn tượng”.
Vì thế William Craig cho rằng, thay vì giải thích với khách hàng về công dụng sản phẩm, doanh nghiệp nên tìm cách khiến cho khách hàng nhận ra rằng sản phẩm của thương hiệu là cần thiết với họ. “Để làm được việc đó, thương hiệu cần xác định một điểm thật quan trọng và thu hút khách hàng tập trung vào đó. Một điểm mà họ còn đang thiếu, đang mong chờ, giống như cách làm của Apple” – ông cho biết.
Tạo ra những cái bẫy tâm lý thu hút
Sau khi xác định điểm cần tập trung, thương hiệu cần tiếp tục tạo ra những cái bẫy tâm lý. Những cái bẫy tâm lý này sẽ khiến khách hàng chú ý vào một hành động, dịch vụ hay một chức năng nào đó liên quan tới điểm tập trung này.
Các nhà tâm lý cho rằng, một trong những cách khiến con người nghiện một thứ nhanh nhất chính là tạo ra những phần thưởng biến thiên liên tục. Nắm được quy luật này, đa số nhà thiết kế thường liên kết một hành động của người dùng với một phần thưởng không cố định.
Đối với thương hiệu Apple thì đó là việc tiết lộ thông tin sản phẩm, nhận định, đánh giá về sản phẩm sắp ra mắt, để tạo ra sự tò mò. Cụ thể, khi Steve Jobs còn điều hành, chỉ có bốn nhà báo công nghệ là Walt Mossberg (The Wall Street Journal), David Pogue (The New York Times), Ed Baig (USA Today) và Steven Levy (Newsweek) được sử dụng thử và đánh giá những chiếc iPhone của hãng. Nhưng với iPhone X mới nhất, số lượng người đánh giá được mở rộng. Điều này đã kích thích sự tò mò, làm cơn sốt lên tới đỉnh điểm, qua đó khiến nhiều người tiêu dùng sẵn sàng kéo tới các cửa hàng và chờ đợi.
Rèn giũa để biến một hành động thành thói quen
Bước cuối cùng để định hướng cho người tiêu dùng chính là liên tục rèn giũa để biến một hành động của người tiêu dùng thành thói quen khó bỏ.
Theo những chuyên gia tâm lý, một hành động sẽ trở thành thói quen nếu chúng ta duy trì đều đặn trong một khoảng thời gian nhất định. Vì thế, bước cuối cùng để định hướng cho người tiêu dùng, chính là liên tục rèn giũa để biến một hành động của họ thành thói quen khó bỏ.
Điều này cũng là chiến thuật mà Apple đã theo đuổi từ 10 năm nay. Cứ đều đặn khi một sản phẩm ra đời, khách hàng của Apple sẽ tự hiểu rằng sau đó không lâu sẽ có một sản phẩm khác kèm theo sản phẩm trước đó. Từ đó mà khách hàng của Apple có thói quen trông đợi vào những sản phẩm kế tiếp hơn là hài lòng với sản phẩm hiện tại.