Hiểu tâm lý bầy đàn để quản trị tốt thương hiệu
|Ông Khuất Quang Hưng chia sẻ về cách dùng “tâm lý bầy đàn” để quản trị danh tiếng thương hiệu. Hãy cùng tham khảo bài viết để tìm ra giải pháp truyền thông.
Ông Khuất Quang Hưng, chuyên gia thương hiệu, hiện đang là phụ trách đối ngoại và truyền thông của một công ty đa quốc gia tại Việt Nam chia sẻ về cách dùng “tâm lý bầy đàn” để quản trị danh tiếng thương hiệu.
Sự lây lan của “virus cảm xúc”
Ông Khuất Quang Hưng, cho biết: “Tâm lý bầy đàn là thuật ngữ được dùng để miêu tả tâm lý đám đông thông qua những hành vi nhất định mà họ cho là đúng, nhưng bản thân không suy nghĩ một cách thấu đáo. Tâm lý đám đông này rất dễ bị “dắt mũi” hoặc đưa ra những quyết định mù quáng hay bị lừa”.
Theo ông, “tâm lý bầy đàn” và “hành vi bầy đàn” được dùng để mô tả hành vi con người từ khi loài người bắt đầu hình thành các bộ lạc, sống thành nhóm.
Ngày nay, mạng xã hội trên Internet cho phép người tham gia dễ dàng bày tỏ ý kiến, thái độ mà không cần nêu rõ danh tính. Với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, tâm lý bầy đàn có một môi trường thuận lợi để phát triển hơn khi con người cảm thấy an toàn và dễ dàng hùa theo đám đông một cách vô thức. Đối với những người làm thương hiệu, điều này sẽ tác động đến cách nhìn nhận và đánh giá chung về một thương hiệu. Doanh nghiệp hiện nay rất dễ dàng bị nêu tên để rồi sau đó những người sử dụng mạng xã hội có dịp “hùa nhau” tạo ra một dư luận đối với cho doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng, trong trường hợp xuất hiện dư luận, đặc biệt là theo hướng tiêu cực, người quản trị thương hiệu phải theo dõi chặt chẽ, xác định rõ nguồn gốc, phạm vi và mức độ nghiêm trọng của vấn đề để có hướng xử lý phù hợp” – Ông nói.
Xử lý khủng hoảng – xử lý cảm xúc đám đông
Theo ông Hưng, xử lý khủng hoảng cũng là xử lý cảm xúc đám đông. “Khi đám đông đã trở nên cuồng nộ thì việc giải thích bằng lý lẽ và dữ kiện giống như việc dùng nước dập đám cháy trong cái chảo đầy dầu mỡ. Lúc đầu thì tưởng là có hiệu quả, nhưng thực tế thì càng dập thì ngọn lửa lại càng bùng lên mạnh hơn” – ông phân tích.
Bạn nên nhớ rằng, con người không phải những chiếc máy vô cảm mà có cảm xúc. Cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng về nhận thức và đưa ra các quyết định. Thực tế là quyết định của con người thường dựa trên những cảm xúc chứ không phải các dữ kiện. Hơn thế nữa, con người từ đầu đã được định hướng bởi bản năng bầy đàn. Do đó, con người có xu hướng phản ứng tốt với những biến động xã hội hơn là những phân tích mang tính trí tuệ.
Điều này có nghĩa là kể cả khi suy nghĩ của một người là sai thì người đó vẫn cảm thấy an toàn khi có cùng quan điểm với đám đông.
Vì vậy, trong trường hợp một thương hiệu không may trở thành tâm điểm của dư luận tiêu cực thì việc đầu tiên phải hiểu được nguồn gốc của dư luận và đặc điểm của các nhóm đang lan truyền dư luận. “Điều quan trọng nhất là phải phá vỡ sự ngăn cách bầy đàn giữa thương hiệu và các nhóm này thông qua việc coi nhóm người đó thuộc “bầy đàn” của mình hoặc ngược lại qua những thông điệp và hành động phù hợp” – ông cho biết thêm.