Câu chuyện thương hiệu kể thế nào cho hiệu quả?
|Làm thế nào để kể câu chuyện thương hiệu hấp dẫn được khách hàng, kéo họ về phía thương hiệu luôn là câu hỏi lớn của những nhà làm tiếp thị.
Rất nhiều nhà tiếp thị từng quan niệm câu chuyện thương hiệu phải kể về thương hiệu. Nhưng thực tế đó là suy nghĩ sai lầm, câu chuyện thương hiệu phải là chuyện về khách hàng, về niềm tin, giá trị, mục đích mà khách hàng đánh giá về một nhãn hiệu thông qua câu chuyện đó. Chỉ khi kể được câu chuyện thương hiệu như thế người tiêu dùng mới có cảm giác gắn bó với thương hiệu, từ đó tự nguyện trở thành người tiếp thị cho doanh nghiệp. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao kể một câu chuyện như thế?
Nhìn lại điểm xuất phát
Chuyên gia khuyên rằng doanh nghiệp nên nhìn lại xuất phát điểm của mình. Sự liên kết giữa xuất phát điểm, động lực của doanh nghiệp với nhu cầu, vấn đề hiện tại của khách hàng chính là lời giải cho việc doanh nghiệp có thể đem đến giải pháp gì cho khách hàng. Đây là yếu tố mà khách hàng thật sự quan tâm. Câu trả lời này sẽ là đoạn mở đầu đầy ấn tượng cho câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp.
FedEx là một ví dụ điển hình. Mục đích ban đầu của nhãn hàng này là làm sao cho có thể giao hàng trên phạm vi toàn cầu chỉ trong vòng một, hai ngày. Điều này đáp ứng nhu cầu của công chúng và tạo nên thành công cho FedEx.
Chia sẻ câu chuyện
Trong thời đại hiện nay, chia sẻ là một lợi thế hết sức quan trọng. Những doanh nghiệp thành công khi biết cách tạo điều kiện cho người tiêu dùng gắn kết với câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp trên nền tảng truyền thông xã hội sẽ “xích lại gần” công chúng hơn. Khi đã cảm thấy gắn kết với thương hiệu, khách hàng sẽ chia sẻ câu chuyện của thương hiệu đến những người khác và người khác nữa. Chỉ một hành động chia sẻ của khách hàng, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn với doanh nghiệp, nó khẳng định uy tín mà doanh nghiệp gây dựng được trong lòng công chúng.
Recreation Equipment Inc. (REI) là một trong những công ty điển hình biết cách xây dựng một câu chuyện để có thể được chia sẻ nhanh chóng. Chiến dịch với hashtag (một từ hoặc một chuỗi các ký tự liên tiếp nhau được đặt sau dấu # có tác dụng giúp cho nội dung các bài đăng dễ dàng tới được với những người có chung mối quan tâm) #optoutside của REI vào ngày “Thứ sáu đen” đã giành được sự hưởng ứng nhiệt tình từ những khách hàng chủ lực của công ty, nó đã được chia sẻ rộng rãi sau đó, tạo ra 1,2 tỉ lượt bình luận chỉ trong năm 2015.
Kể một câu chuyện tích cực
Các chuyên gia nhận định rằng, một câu chuyện tích cực sẽ thu hút khách hàng hơn rất nhiều. Câu chuyện tích cực là chuyện phản ánh được nhu cầu của khách hàng, khơi gợi nhu cầu đó. Và làm họ cảm thấy doanh nghiệp sẽ giúp họ đến gần nhu cầu của mình hơn.
Harley Davidson là nhãn hiệu khá nổi tiếng trong việc làm cho khách hàng cảm nhận được sự thành đạt và mãn nguyện. Nhãn hiệu này kể một câu chuyện về niềm vui, sự tự do và tính cá nhân, những điều mà người tiêu dùng luôn hướng đến trong ý niệm về sự thành đạt và mãn nguyện. Câu chuyện của nhãn hiệu này chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ rằng người lái xe Harley luôn khát khao sống một cuộc sống tự do và mong muốn hiện thực hóa những ước mơ của mình.
Tính nhất quán
Một câu chuyện thương hiệu thường được kể dưới rất nhiều hình thức và dùng nhiều kênh truyền thông. Doanh nghiệp cần đặc biệt chu ý, đối với những kênh này, câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp cần phải nhất quán với nhau. Sự khác biệt về thông điệp cốt lõi mà doanh nghiệp gây ra trên các kênh truyền thông sẽ là khách hàng nghi ngại về uy tín của thương hiệu.
Lush kể câu chuyện về những sản phẩm thủ công được sản xuất từ các thành phần có nguồn gốc tự nhiên. Bất cứ thông điệp hay hình thức tiếp thị nào của nhãn hiệu này cũng nhấn mạnh những nội dung trên. Người tiêu dùng sẽ khó mà lẫn Lush với nhãn hiệu khác và hiểu rõ vì sao họ muốn quay lại mua hàng mang nhãn hiệu này trong những lần sau.