Màu sắc – thông điệp quan trọng của sản phẩm (Phần 1)
|Màu sắc chính là thông điệp đầu tiên của sản phẩm hướng đến người tiêu dùng và người tiêu dùng cũng sẽ cảm nhận được điều này ngay lập tức.
Là nhận định của Chuyên gia tư vấn về phối màu – Alain Chrisment. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng: màu sắc sản phẩm ảnh hưởng từ 60 đến 80% quyết định chi tiền của khách hàng. Chính vì vậy, vấn đề thiết kế màu sắc được các nhà sản xuất ngày càng coi trọng hơn.
Chức năng của màu sắc
Ngoài ý nghĩa là yếu tố tác động lên mặt xúc cảm, màu sắc còn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc khơi gợi trí nhớ của người tiêu dùng đối với thương hiệu. Nó kích thích tất cả những cơ quan cảm xúc và truyền đạt một cách nhanh nhất thông điệp mà nhà sản xuất muốn gửi đến khách hàng, đồng thời giúp việc gợi lại tính chất và hình ảnh của sản phẩm được dễ dàng hơn.
Tuỳ theo văn hoá, xứ sở và cả vùng miền mà màu sắc có những giá trị biểu đạt khác nhau. Ví dụ, một chiếc máy hút bụi màu tím sẽ dễ dàng được chấp nhận tại Anh, nhưng tại Ý, đó lại là màu của tang tóc. Do vậy, để có thể “đánh” đúng vào thị hiếu khách hàng địa phương, nhà sản xuất đôi khi phải thay đổi màu sắc trên cùng một sản phẩm. Ví dụ, cùng ở Pháp, nhãn hiệu sơn Ripolin đã ưu tiên màu xanh cho vùng Alsace, màu vàng nâu tại vùng Bourgogne và màu đỏ tại vùng Provence.
Ngoài việc khoanh vùng địa lý để chọn màu cho sản phẩm, việc chọn đối tượng khách hàng mục tiêu cũng là một trong những chức năng của màu sắc. Chẳng hạn, các chai nước khoáng Perrier có màu xanh rất thu hút giới trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi.
Khi nhà sản xuất phối sai màu
Dù biết rằng không thể “áp” bất cứ màu sắc nào lên bất cứ sản phẩm nào, nhưng trên thực tế, thậm chí các chuyên gia về marketing đôi lần cũng đã nhìn… lệch hướng.
Vào năm 1994, hãng Nestlé đã tung ra sản phẩm sữa chua LC1 được đóng trong bao bì có màu xám kim loại. Thế là thất bại ngay lập tức. Lý do: người tiêu dùng cứ ngỡ đó là một loại… thuốc chữa bệnh chứ không phải là một loại thực phẩm.
Tương tự, màu hồng xem ra rất hợp với thế giới thời trang nhưng sẽ hoàn toàn bị “loại” nếu được sơn lên một chiếc ô tô. Nhãn hiệu xe Lancia Ypsilon màu hồng nhạt đã phải nhận rất nhiều lời chê bai của khách hàng.
Cũng phải kể tới trường hợp của sản phẩm tương cà (ketchup) rất nổi tiếng là Heinz. Các chai ketchup màu xanh lá của hãng đã bị thu hồi khỏi các quầy hàng chỉ sau vài tháng được tung ra, vì người tiêu dùng không thể nào “chịu” tưởng tượng ra rằng chai đựng món xốt cà chua màu đỏ bên trong mà bên ngoài cứ trông như là một chai champagne
Theo Marketing Chiến lược