Phát triển đa dạng hoá sản phẩm: Vấn đề cần cân nhắc của thương hiệu

Đa dạng hóa sản phẩm là việc tất yếu mà các thương hiệu sẽ nghĩ đến vào thời điểm nhất định, nhưng đây vẫn luôn là vấn đề doanh nghiệp cần cân nhắc thật kỹ.

Doanh nghiệp sẽ nghĩ đến đa dạng hoá sản phẩm khi doanh nghiệp nhận thấy một nhu cầu có thực từ phía người tiêu dùng nhưng chưa được thị trường khai thác, và doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính lẫn chuyên môn để đáp ứng, hoặc khi doanh nghiệp đã tạo được thương hiệu mạnh và mong muốn tận dụng sức mạnh của thương hiệu để việc kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Dù động cơ có là gì đi nữa, họ cũng cần cân nhắc kỹ cách thức mở rộng sản phẩm vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu mà doanh nghiệp đã xây dựng được.

Lựa chọn sản phẩm mở rộng

Khi thương hiệu ghi ấn trong nhận thức khách hàng về một sản phẩm thương hiệu cụ thể, thì chọn sản phẩm mở rộng là một vấn đề. Có thể sản phẩm mới sẽ không bao giờ được khách hàng nhớ đến khi liên tưởng đến thương hiệu. Đơn giản hơn cả là mở rộng các lựa chọn sản phẩm trong cùng hoặc gần về chủng loại.

Như TH true MILK nhanh chóng có thêm các loại sữa ít đường, bổ sung dưỡng chất, có hương vị như dâu, sô-cô-la, và gần đây đưa ra cả sản phẩm sữa chua.  Pulppy từ những gói khăn giấy nhỏ cầm tay được nhiều người ưa chuộng từ nhiều năm trước, đến nay đã bao phủ nhiều nhu cầu khác về giấy, từ nhà bếp (cuộn giấy bếp), phòng ăn (khăn giấy xấp vuông), cho đến nhà tắm.

Phát triển đa dạng hoá sản phẩm: Vấn đề cần cân nhắc của thương hiệu
Ảnh: Pulppy

Uy tín thương hiệu trên thị trường

Uy tín thương hiệu với một sản phẩm khởi đầu là điều kiện vô cùng thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng chủng loại vì người tiêu dùng dễ có tâm lý tin tưởng, nhất là trong bối cảnh thị trường có quá nhiều những tên tuổi lạ lẫm cùng với những tin tức về sản phẩm, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, người ta có thể dễ dàng bỏ vào giỏ hàng những hộp sữa chua TH true YOGURT nếu đã “phải lòng” TH true MILK, nhưng nếu là sữa đậu nành hay bột đậu xanh cũng dưới thương hiệu này thì có lẽ họ sẽ phải cân nhắc. Nước uống Icy mà Vinamilk quyết định đưa ra thị trường cách đây ít lâu nằm trong trường hợp này, và người ta vẫn đang chờ đợi xem cú “rẽ ngang” của người khổng lồ sữa Việt Nam sẽ đi đến đâu.

Có một điểm đáng lưu ý về tâm lý người tiêu dùng, đó là phần lớn thời gian họ sẽ không suy nghĩ nhiều hay phức tạp. Với họ, mỗi sản phẩm đều có đặc thù riêng, sữa đơn giản là sữa, không phải nước; hàng trung cấp là hàng trung cấp, không thể là hàng cao cấp.

Thay đổi mẫu mã bao bì, tên thương hiệu

Thay đổi bao bì là cách nhiều doanh nghiệp sử dụng với suy nghĩ sẽ mang lại cảm giá mới lạ, khác biệt cho sản phẩm mới. Nhưng không phải lúc nào cách này cũng hữu dụng.

Phát triển đa dạng hoá sản phẩm: Vấn đề cần cân nhắc của thương hiệu
Ảnh: Sunflower.vn

Trong khi những chiếc ly giấy Starbucks với logo tròn màu xanh quen thuộc đã trở thành gần như một thứ phụ kiện đáng tự hào trên tay những người luôn dịch chuyển trên phố, thì những chai frappuccino trên kệ siêu thị, dù vẫn nguyên thương hiệu Starbucks, chật vật tìm đường đến trái tim những tín đồ trung thành của quán.

Việc mở rộng sản phẩm theo kiểu đi từ hơi xa cho đến rất xa, đòi hỏi việc nghiên cứu, tìm hiểu thông tin vô cùng sâu sắc, kỹ lưỡng và một chiến lược thực hiện không đơn giản. Nói như vậy không có nghĩa việc này là không thể hoặc hoàn toàn không nên.

Toyota làm được điều đó với Lexus. Nhiều người đã biết rằng Lexus chính là Toyota, nhưng bằng cách nào đó trong ý thức của số đông Lexus hầu như không dính dáng gì đến những chiếc xe hơi trung cấp Toyota. Cách Toyota làm được điều này đáng để học hỏi.

Theo Marketing Box

 

Add a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.