Tiêu chuẩn về giọng của người làm nghề sales
|Trong nghề sales, ngoại hình và giọng nói là hai yếu tố rất quan trọng. Giọng nói của một nhân viên sale luôn có những tiêu chí đánh giá nhất định.
Sales làm việc đòi hỏi sử dụng nhiều lời nói hơn nhiều so với những ngành nghề khác. Tương tự như giáo viên, người làm nghề sale cần có một chất giọng tốt để có thể giao tiếp với khách hàng dễ dàng và tạo nhiều thiện cảm hơn cho người đối diện. Vậy thế nào là một chất giọng tốt và phù hợp với đặt thù nghề? Dưới đây là một vài tiêu chí mà theo nhiều chuyên gia là nó quan trọng với một sales.
Truyền cảm
Giọng nói truyền cảm là giọng nói có âm điệu, có sự lên xuống, nhấn nhá thể hiện cảm xúc đa dạng của chính người nói. Giọng nói truyền cảm vừa có thể thu hút và tạo thiện cảm với người nghe, vừa giúp người nghe tránh nghe nhầm. Tuy nhiên, để có một giọng nói truyền cảm không phải đơn giản, đòi hỏi người nói phải đặt tình cảm của mình vào nội dung mình đang nói. Đồng thời, phải biết kết hợp với âm điệu nhấn nhá để truyền đạt cảm xúc đó.
Tốc độ vừa phải
Đối với nhân viên tư vấn bán hàng, tốc độ nói rất quan trọng, nó quyết định việc người nghe có tiếp thu đủ và đúng những gì người tư vấn đang nói hay không. Đồng thời, vì nội dung tư vấn bán hàng bao giờ cũng khá dài, nên tốc độ nói quyết định phần lớn việc khách hàng có đồng ý bỏ thời gian nghe bạn nói hay không. Không nên nói quá nhanh, cũng không nên nói quá chậm. Khi nói quá nhanh, bạn sẽ làm khách hàng bị “ngộp” và có xu hướng muốn bỏ đi, còn khi nói quá chậm thì bạn sẽ làm người nghe thấy chán.
Nói rõ ràng
Tương tự như trong giao tiếp hằng ngày, việc nói rõ ràng rất quan trọng, nó quyết định việc người nghe có nắm hết những gì bạn nói hay không, có nghe nhầm điều gì hay không. Nhân viên sales luôn được nhắc nhở là không dùng tiếng địa phương hay các từ lóng, từ nước ngoài khi giao tiếp với khách hàng.
Cảm giác tích cực trong giọng nói
Không phải ngẫu nhiên mà những người đào tạo sales thường nhắc người làm nghề tư vấn hay bán hàng phải luôn giữ nụ cười, ngay cả khi đang nói. Giữ nét cười vừa tạo thiện cảm với người đối diện, vừa có thể giúp bạn tạo cảm giác tích cực trong lời nói, ngôn ngữ và giọng điệu của mình. Thử nghĩ, so với một người tạo cảm giác tích cực khi tư vấn và một nhân viên cho cảm giác mệt mỏi, thì bạn sẽ thích ai hơn? Dĩ nhiên là người mang đến cho bạn sự tích cực và vui vẻ rồi, đúng không nào.
Âm lượng vừa đủ nghe
Âm lượn giọng nói lớn hay nhỏ phụ thuộc nhiều vào khoảng cách giữa bạn với người nghe, số, số lượng người nghe bạn nói. Nhưng dù là bao nhiêu người và nói trong khoảng cách thế nào thì bạn cần phải giữ giọng nói của mình vừa đủ nghe. Quá lớn sẽ làm người nghe phản cảm và khó chịu, còn quá nhỏ sẽ gây khó khăn cho người nghe.