4 cấp độ chiến lược trong chiến dịch Digital Marketing
|Bất kỳ chiến dịch Digital Marketing nào cũng có quá trình lên chiến lược. Vậy bạn đã biết trong chiến lược Digital Marketing gồm các cấp độ khác nhau chưa?
Ngày nay, Marketing gắn liền với Digital, điều này dường như không thể phủ nhận hay bàn cãi. Điều các CMOs quan tâm nhất hiện nay là phương thức vận dụng Digital Marketing vào doanh nghiệp sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Sử dụng chiến lược nào, đầu tư bao nhiêu, triển khai và đo lường hiệu quả ra sao, vẫn luôn là niềm trăn trở của các cấp lãnh đạo CMOs và các CEO.
Để chạy một chiến dịch Digitla Marketing, các nhà Marketer đã phải trải qua một thời gian chuẩn bị công phu. Trong đó bao gồm nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm và thương hiệu, đưa ra mục tiêu, đối tượng, chọn kênh hợp lý và từ đó mới xây dựng chiến lược chạy quảng cáo. Và thực tế, chiến lược trong Digital Marketing cũng được phân chia thành 4 cấp khác nhau. Bao gồm:
Đầu tiên là Digital Communication
Digital Communication là hình thái chiến lược chỉ tập trung xây dựng Nhận biết thương hiệu (Awareness) thông qua việc tối ưu lượt tiếp cận (Reach), lượt hiển thị (Impression) và tần suất (Frequency). Điển hình của cấp độ chiến lược này là các hình thức quảng cáo hiển thị.
Các công ty sử dụng chiến lược này xem Digital Marketing như một kênh truyền thông bên cạnh TV, báo chí… để tối ưu độ phủ của thương hiệu, mục đích cuối cùng là tăng nhận biết của khách hàng trên môi trường số.
Tiếp theo là cấp độ Digital Engagement
Ngoài việc truyền thông trên nền tảng kỹ thuật số, thương hiệu còn muốn dẫn dắt họ đến những trải nghiệm mới, bằng việc vận dụng công nghệ tân tiến như VR, AP, Game, Mobile… và các kênh thuộc sở hữu thương hiệu (Owned-Channel).
Mục đích của loại hình Digital Engagement là tạo ra tương tác để người dùng có cơ hội trải nghiệm thương hiệu. Ở cấp độ chiến lược này, các quảng cáo trên truyền thông không chỉ dừng lại ở việc nhắc nhớ mà còn khuyến khích người dùng “click” để ghé thăm trang web, xem viral clip, tương tác với thương hiệu.
Hình thái thứ ba là Digital Performance
Chiến lược này gần đây được áp dụng phổ biến trong các ngành hàng quen thuộc như bất động sản hay bảo hiểm. Song song với việc tiếp cận người dùng, tạo trải nghiệm, hình thái chiến lược này còn có mục tiêu giúp thu thập dữ liệu khách hàng (Leads) để phục vụ các mục tiêu Marketing và Kinh doanh khác.
Thông tin thu được sau chiến lược Digital Performance sẽ được “lọc” qua phễu bán hàng (Sales Funnel), chuyển đổi từ “cân nhắc” (consideration), sang “dùng thử” (trial), đến “mua sản phẩm” (purchase). Ở hình thái Performance, vai trò của Digital đã được mở rộng đến bước thu thập dữ liệu (data) và có sự liên kết chặt chẽ đến các mục tiêu thương hiệu.
Cuối cùng là Digital Transformation
Đây là hình thái phức tạp nhất của chiến lược Digital Marketing. Hình thái này mang ý nghĩa của một cuộc chuyển đổi đích thực, thay đổi hoàn toàn doanh nghiệp, bằng cách tích hợp sâu hơn, toàn diện và đồng bộ hơn các yếu tố nền tảng số vào hệ thống vận hành hiện tại. Chiến lược hình thức cuối cùng này nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý dữ liệu (Big Data), thương mại điện tử (e-Commerce) và trải nghiệm người dùng đa kênh (Omni-channel Experience).
Để quyết định lên kế hoạch quảng cáo cụ thể về kênh, nội dung, thời gian, ngâ sách… tùy thuộc vào việc thương hiệu đang ở cấp độ chiến lược. Mà thực tế thì cấp độ chiến lược này tùy thuộc vào mục tiêu mà thương hiệu muốn thu lại sau khi chiến dịch Digitla Marketing kết thúc.
Vì vậy mà trong giới làm quảng cáo kỹ thuật số thường nói rằng, việc đánh giá một chiến lược Digital thành công hay không tùy thuộc vào việc thương hiệu đang ở cấp độ chiến lược nào, chứ không đón khung trong yêu cầu phải tăng doanh thu.
Mỗi hình thái chiến lược sẽ có những cách chọn kênh quảng cáo tối ưu về hiệu quả và ngân sách nhất. Vì thế mà quyết định việc dừng lại ở hình thức, cấp độ chiến lược Digital Marketing nào là rất quan trọng trong quá trình xây dựng và vận hành chiến dịch.