Bạn có đang hiểu đúng về Digital Analytics?
|Digital Analytics là một trong những công cụ hữu ích và thât sự cần thiết cho các chiến dịch Digital Marketing. Nhưng bạn đã hiểu đúng về nó chưa?
Hầu hết người làm marketing khi nghe về “digital analytics” thường có xu hướng nghĩ đến các số liệu từ công cụ phân tích web Google Analytics như lượng truy cập, bounce rate (tỷ lệ bỏ trang), khách truy cập tuyệt đối (unique visitor)… Trong khi định nghĩa digital analytics lại rộng hơn thế.
Digital analytics là việc phân tích dữ liệu định tính và định lượng từ doanh nghiệp và đối thủ cạnh để cải thiện trải nghiệm online và offline của khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp. Với digital analytics, các marketer có thể đánh giá hiệu quả của các hoạt động marketing chứ không chỉ riêng về hiệu quả của website.
Sử dụng digital analytics cho phép những người làm marketing nhận diện và so sánh hiệu quả giữa các kênh tiếp thị như social media với blogging hay email marketing,… xác định được ROI từ các hoạt động và hiểu được cách thức để đạt được mục tiêu kinh doanh như thế nào. Từ các thông tin này, marketer có thể xem xét những thiếu sót tại từng kênh marketing cụ thể và điều chỉnh chiến lược marketing phù hợp.
Vai trò của Digital Analytics
Tích hợp được nhiều kênh marketing khác nhau
Digital analytics cung cấp cái nhìn trực quan về mối quan hệ giữa các kênh marketing của doanh nghiệp. Sẽ rất tốt nếu có thể nhìn thấy và đánh giá hiệu quả của từng kênh riêng lẻ nhưng sức mạnh phân tích thật sự là khi bạn có thể kết hợp hiệu quả nhiều kênh với nhau.
Tạo nền tảng dữ liệu tập trung
Digital analytics có thể cho bạn biết tất cả những thông tin như: Doanh nghiệp đang tương tác với các kênh marketing theo thời gian như thế nào. Khách hàng tiềm năng đã tìm thấy website của doanh nghiệp bằng cách nào? Thông qua Google, Facebook hay từ Email? Đồng thời công cụ này còn cung cấp cho bạn thông tin dẫn đường vô cùng giá trị để định hướng các chiến lược marketing trong tương lai.
Cung cấp vòng dữ liệu khép kín
Một trong những chức năng hữu ích khác của công cụ digital analytics là khả năng phối hợp giữa hoạt động marketing và bán hàng của doanh nghiệp. Vấn đề bài viết trên website doanh nghiệp có thể thu hút được một lượng lớn người truy cập nhưng trong số đó có bao nhiêu người thật sự trở thành khách hàng và đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp? Digital analytics cung cấp một vòng dữ liệu khép kín có thể cho bạn biết điều đó.
Ứng dụng thực tế Digital Analytics
Ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng
Khủng hoảng truyền thông là thông tin tiêu cực về thương hiệu bị lan truyền trên các phương tiện truyền thông, gây thiệt hại đến danh tiếng và tài chính của doanh nghiệp. Sự phát triển của social media trong những năm gần đây đem đến nhiều cơ hội cho việc quảng bá thương hiệu nhưng đồng thời cũng là nguồn khởi đầu và phát tán mạnh mẽ nhất của các vụ khủng hoảng truyền thông.
Để có thể xử lý khủng hoảng truyền thông kịp thời và hợp lý thì thương hiệu cần biết được mình đang bị nhắc đến tiêu cực như thế nào trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhắc đến ở đâu và những người đang thảo luận trong khủng hoảng truyền thông của thương hiệu là ai. Trong trường hợp này, Social Listening là công cụ hữu hiệu giúp thương hiệu xử lý khủng hoảng truyền thông một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Dự đoán xu hướng mạng xã hội
Với sự phát triển bùng nổi của mạng xã hội thì mạng xã hội là một trong những chìa khóa giúp doanh nghiệp dự đoán xu hướng thị trường.
Theo dõi và phân tích hành vi, thảo luận của người dùng mạng xã hội giúp bạn nhận diện và biết được người tiêu dùng cần điều gì ở sản phẩm/dịch vụ, tính năng nào thật sự thu hút họ. Các công cụ digital analytics có thể làm điều này, điển hình như giải pháp Social Listening.
Với cơ chế lắng nghe và theo dõi thông tin, hệ thống cho phép khám phá các insights về hành vi và yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua của người dùng trên nhiều giai đoạn. Bên cạnh đó, khả năng phân tích các thảo luận, tìm hiểu được nguyên nhân, cảm xúc và quan điểm đánh giá vấn đề trên từng cá nhân và nhóm cũng giúp doanh nghiệp dự đoán được những xu hướng mới để đưa ra các chiến lược marketing phù hợp.
Cải thiện hoạt động chăm sóc khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng
Với nền tảng dữ liệu tập trung, digital analytics cho phép doanh nghiệp theo dõi hành vi và lịch sử tương tác của khách hàng với các kênh marketing của doanh nghiệp trong thời gian thực.
Từ đó, doanh nghiệp có thể tạo ra các hoạt động marketing phù hợp và cá nhân hóa với từng nhóm khách hàng cụ thể theo từng giai đoạn. Điều này giúp tăng trải nghiệm của khách hàng và tỉ lệ chuyển đổi, thúc đẩy doanh số bán hàng, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tất cả thông tin và dữ liệu thu thập được từ các công cụ digital analytics chỉ thật sự hữu ích nếu bạn biết cách sử dụng hiệu quả. Giá trị của việc phân tích không chỉ để chứng minh hiệu quả marketing mà còn giúp bạn cải tiến và tối ưu hóa marketing của mình.
Theo BrandsVietNam